Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, khối lượng XK hạt điều ước đạt 186 nghìn tấn và 1,83 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều XK bình quân nửa đầu năm đạt hơn 9.700 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,9%, 15,1% và 12% tổng giá trị XK hạt điều.
Tại thị trường trong nước, hiện nay dù điều kiện thời tiết bất lợi khiến sản lượng, năng suất giảm mạnh nhưng giá thu mua hạt điều lại đang ở mức cao kỷ lục với mức bình quân khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô nhập kho. Tại Bình Phước, giá bán buôn hạt điều nhân loại W240 và W320 đã tăng 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7, lên mức giá hiện là 265.000 đồng/kg và 255.000 đồng/kg.
Đã 11 năm liền Việt Nam đứng đầu thế giới về XK hạt điều. Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) dự kiến, năm nay ngành điều vẫn giữ vững “ngôi vương” với giá trị XK đạt khoảng trên 3 tỷ USD. Mặc dù XK hạt điều ghi nhận những tín hiệu tích cực về giá trị, song điểm đáng lưu ý là, phần lớn nguyên liệu của ngành điều đều phải NK từ nước ngoài. Báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 7 tháng qua, lượng hạt điều NK đã tăng mạnh tới 58,8% về khối lượng và gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 902 nghìn tấn và 1,73 tỷ USD.
Trên thực tế, nguyên liệu vẫn luôn là “bài toán” của ngành điều trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay tình hình có phần trở nên khó khăn hơn nữa khi thời tiết không thuận lợi, các loại dịch bệnh như sâu róm đỏ, bọ trĩ, bọ xít muỗi… hoành hành, gây thiệt hại đáng kể cho nông dân trồng điều tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo VINACAS, nửa đầu năm nay, các vùng trồng điều nông dân có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, năng suất ước cũng chỉ đạt 50% so với niên vụ năm 2016. Đáng chú ý, có những vườn điều thậm chí còn không có thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô cả năm dự kiến ước đạt hơn 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.
Tập trung vào nguồn giống
Với thực trạng hiện tại, VINACAS khuyến cáo, các DN chế biến, XK không nên ký các hợp đồng giao xa khi không có đủ nguồn nguyên liệu trong kho. Điều này nhằm tránh bị động về nguồn hàng cho các DN, đồng thời hạn chế những thua thiệt về giá trong thời gian tới.
Về lâu dài, để ngành điều có thể từng bước chủ động hơn nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho rằng: Một trong những điểm quan trọng là ngành điều cần có một bộ giống mới chất lượng tốt, năng suất cao, thu hoạch nhiều lần trong năm. Bộ giống này phải giúp bà con nông dân trồng điều ứng phó được với các loại bệnh trên cây điều cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Liên quan tới vấn đề này, một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá: Với diện tích trồng điều hiện có, nếu chăm sóc tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, XK điều, hạn chế phụ thuộc NK. Giải pháp là toàn ngành điều, đặc biệt là các DN thu mua cần tăng cường hướng dẫn bà con nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng điều; hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để người dân có điều kiện chăm sóc điều hơn. Ngoài ra, các DN cũng cần đẩy mạnh phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, chọn tạo đưa vào sản xuất các giống điều cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, có khả năng chống chọi sâu bệnh; đồng thời thúc đẩy liên kết “bốn nhà” (Nhà nước-DN-nhà khoa học-nông dân) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc…
“Câu chuyện” thiếu nguyên liệu chế biến điều đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, XK điều, đặc biệt là về nguồn giống. Được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điều cũng đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy các nội dung như: DN sản xuất, kinh doanh sẽ đồng hành cùng nhà nông với đề án “ghép cải tạo – thâm canh điều”; chương trình “sản xuất sạch hơn” nhằm cung ứng ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao, thông qua việc vận động các DN tái cấu trúc, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO – HACCP – BRC – FSSC 22000 – SA 8000…; gia tăng giá trị kinh tế thông qua đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm…
Thẳng thắn đánh giá, ở thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra dường như đã khá đầy đủ. Điều quan trọng là ngành điều cần nỗ lực, tăng tốc hơn nữa để hiện thực hóa mọi mục tiêu, may ra mới giải được “cơn khát” nguyên liệu trong tương lai gần.